Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Linh đạo và những linh đạo
Ngày đăng: 22/03/2019

Linh đạo và những linh đạo 

 

Linh đạo là nỗ lực của một cá nhân hay một nhóm để gặp gỡ và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, của tha nhân và vũ trụ để đi vào sự sống và mừng vui cùng tất cả.

 

Linh đạo là gì và điều gì làm nên các linh đạo khác nhau?

Từ “linh đạo” (spirituality ) khá là mới trong thế giới nói tiếng Anh, ít ra là về mức độ sử dụng hiện nay. Trước những năm 1960, rất ít sách tiếng Anh có chữ “linh đạo” trong nhan đề, dù chuyện này đã phổ biến với thế giới nói tiếng Pháp rồi. Nửa thế kỷ trước, các ngòi bút thiêng liêng Công giáo La Mã viết về linh đạo, nhưng hầu như chỉ dùng những nhan đề như “Đời sống Thiêng liêng” và “Thần học Khổ hạnh” hay dưới các tên sùng đạo khác. Người Tin Lành và phái Phúc âm, hầu như đồng nhất linh đạo với lòng mộ đạo Công giáo La Mã và tránh xa từ này.

Hiểu trong pham vi giáo hội thời nay, thì linh đạo là gì? Có rất nhiều định nghĩa trong đủ thế loại văn học thiêng liêng, mỗi kiểu lại định nghĩa linh đạo theo một mục đích cụ thể. Có những định nghĩa hữu ích trong thảo luận hàn lâm, nhưng lại không hữu ích mấy với đại chúng. Thế nên, tôi xin mạo muội đơn giản hóa mọi chuyện bằng một định nghĩa rộng, mang tính liên tôn và đại kết, và mong là đủ đơn giản để phần nào hữu ích cho quý độc giả.

Linh đạo là nỗ lực của một cá nhân hay một nhóm để gặp gỡ và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, của tha nhân và vũ trụ để đi vào sự sống và mừng vui cùng tất cả. Các khuôn khổ và tập quán chung cụ thể phát triển từ điều này đã trở thành nền tảng cho nhiều linh đạo khác nhau.

Xét tận căn bản, có thể nói linh đạo là một “khuôn khổ” mà người ta chấp thuận. Ví dụ trong Kitô giáo, chúng ta gọi mình là môn đệ (disciple) của Chúa Giêsu Kitô. Từ “cương vị môn đệ” (discipleship) có gốc từ “khuôn khổ” (discipline). Một môn đệ là một người chấp nhận theo một khuôn khổ. Ấn giáo và Phật giáo gọi đây là “yoga.” Để là người theo Ấn giáo hay một Phật tử, thì phải thực hành một “khuôn khổ” thiêng liêng nhất định, mà họ gọi là yoga. Và đấy là điều cấu thành của bất kỳ việc hành đạo nào.

Mọi việc hành đạo đều là vấn đề đặt mình dưới một “khuôn khổ” nhất định. Nhưng chúng ta có thể phân biệt nhiều “khuôn khổ” tôn giáo khác nhau. Chúng ta có thể viện đến sự phân biệt của triết gia Aristotle. Ông phân biệt giữa “giống” và “loài”, ví dụ như chim là một giống, chim sẻ là một loài. Do đó, khi nhìn vào các linh đạo khác nhau, chúng ta có thể phân biệt giữa các khuôn khổ “chung” và các khuôn khổ “riêng biệt.” Kitô giáo, Do Thái giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Lão giáo, và các Tôn giáo Bản địa khác, là những linh đạo “chung.” Nhưng trong mỗi linh đạo đó, sẽ thấy có nhiều linh đạo “riêng biệt.” Ví dụ như trong Kitô giáo, sẽ thấy có Công giáo La Mã, Anh giáo, Tân giáo, Tin Lành, phái Phúc âm, Mặc Môn và phái Giáo đoàn. Đây là từng loài.

Rồi chúng ta có thể phân biệt xa hơn. Trong mỗi loài, sẽ có những “phân loài” là các “khuôn khổ” Kitô giáo riêng biệt. Ví dụ như, trong Công giáo La Mã, chúng ta có người theo linh đạo Đặc sủng của Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Camêlô, Dòng Salê. Hãy để ý cấu trúc, từ giống, đến loài, rồi phân loài. Xét về linh đạo, Kitô giáo là một giống, Công giáo La Mã là một loài, và Dòng tên hay Dòng Phanxicô (hay trong trường hợp của tôi là Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ) là một phân loài.

Tôi xin lỗi nếu có hơi thiếu tôn trọng khi dùng từ ngữ giống loài để nói đến các truyền thống đức tin được trân quý thậm chí bằng máu các vị tử đạo. Nhưng tôi hy vọng cách này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một vấn đề phức tạp và nguồn gốc của nó.

Không một ai hoàn toàn phụng sự Chúa của mình, cũng như không một ai hoàn toàn sống ngoài phẩm giá Chúa ban. Chúng ta cần được hướng dẫn. Chúng ta cần các khuôn mẫu hành xử và khuôn khổ đã được tin tưởng, được Chúa chúc phúc và xét cho cùng là phát xuất từ trên cao. Chúng ta gọi chúng là tôn giáo. Rồi trong các tôn giáo đó, chúng ta có thêm hỗ trợ qua gương mẫu đức hạnh cuộc đời các thánh và các nhân vật khôn ngoan. Như thế, trong Kitô giáo, chúng ta có mẫu gương và sự khôn ngoan đã được thử thách qua hai ngàn năm lịch sử của những người thành tín đã tạo nên các “khuôn khổ” có thể gúp ta sống cương vị môn đệ của mình tốt hơn. Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Camêlô, Dòng Don Bosco, phong trào Mazenodian, phong trào Đặc sủng, Opus Dei, Focolare, Công nhân Công giáo, Sant’Egidio, phong trào Cursillo, ACTS Missions, Catholic Christian Outreach, cùng nhiều nhóm khác nữa, đều là những linh đạo, và cũng như các bài tập và chế độ ăn kiêng từ các chuyên gia sức khỏe có thể giữ cơ thể lành mạnh, thì các bài tập khuôn khổ của các vị thánh, các vĩ nhân đường thiêng liêng, và các nhà hiền triết có thể giúp chúng ta trung thành đi theo Chúa Giêsu và được sinh ích hơn.

Linh đạo nào tốt nhất cho bạn? Điều đó tùy thuộc vào tính chất riêng, thiên hướng riêng, và hoàn cảnh của bạn. Không có kiểu một kích cỡ áp dụng cho tất cả mọi người. Cũng như mỗi một bông tuyết đều khác nhau, thì chúng ta cũng vậy. Chúa cho chúng ta tài năng và thiên hướng khác nhau, và cuộc đời lại đưa chúng ta vào các hoàn cảnh khác nhau.

Có câu rằng, những quyển sách chúng ta cần đọc tự tìm đến chúng ta, và tìm đến đúng vào lúc chúng ta cần đọc nó. Với linh đạo cũng thế. Linh đạo bạn cần sẽ tìm đến bạn, và tìm đến đúng lúc bạn cần nhất.

 

* gplongxuyen.org  -  Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

 

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo