Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Dung mạo Ngôn sứ Isaia trong Mùa Vọng
Ngày đăng: 15/12/2019

Dung mạo Ngôn sứ Isaia trong Mùa Vọng 

 

Nhiều người chúng ta gọi sách Ngôn sứ Isaia là “Tin mừng thứ năm” bởi lẽ khá nhiều chủ đề trong các sách Tin mừng liên quan đến cuộc đời Chúa Giêsu xuất phát từ sách Ngôn sứ Isaia. Mối liên hệ của Isaia với câu chuyện của Chúa Giêsu lại đặc biệt rõ nét hơn trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh. Ngay cả tên của vị ngôn sứ- Isaia có nghĩa là “Giavê cứu chuộc”- cũng đã nói đến câu chuyện Giáng Sinh rồi.

Sách Ngôn sứ Isaia là một trong những cuốn sách dài nhất của Cựu Ước và nội dung của nó trải dài một thời gian kéo dài nhiều năm. Do vậy, một số nhà chuyên môn cho rằng có ít nhất ba “ngôn sứ Isaia”. Điều đó có nghĩa là các ngôn sứ sống sau Isaia chính, đã lấy tên của Isaia và họa lại văn phong Isaia nguyên thủy, để thêm vào cho sách, vì tầm quan trọng và hiệu ứng của ông tạo lập được, như là một người truyền tải có thế giá sứ điệp của Đức Chúa. Vì lí do đó, các phần của sách Isaia từ các chương 40 đến 55 thường được gọi là “Isaia đệ nhị”, và từ 56 đến 66 được gọi là “Isaia đệ tam”, hay Isaia thứ ba.

Vào thời của Chúa Giêsu, nghĩa là khoảng 800 năm sau cái chết của ngôn sứ Isaia, thì những lời của ông vẫn còn được đọc thường xuyên trong các hội đường. Có lẽ Chúa Giêsu đã nghe nhiều về sách Isaia hơn các ngôn sứ khác. Do vậy, trong Tin mừng Luca Người đã khởi đầu sứ vụ bằng cách đọc một đoạn sách ngôn sứ Isaia và áp dụng nội dung đó cho chính mình (Lc 4,16-21).

Trong những chương đầu sách, vị ngôn sứ phác họa một chút thông tin về chính mình. Cha của ông là Amốc, là một cư dân lâu đời ở Giêrusalem. Do vậy ông quan tâm đến hoàn cảnh của thành phố: đó là những người dân, nhà vua và quang cảnh Đền Thờ. Isaia được kêu gọi làm ngôn sứ vào năm vua Útdigiahu băng hà, khoảng năm 742 BC. Lúc đó có lẽ ông khoảng 18 tuổi. Ông kết hôn với một phụ nữ cũng là một ngôn sứ. Các học giả cho chúng ta biết thời đó có nhiều nam nữ ngôn sứ hơn những tác phẩm của họ còn được lưu lại trong Sách Thánh. Isaia có hai con trai, ông rao giảng vào một thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng của Do Thái: Đất nước Israel đã bị chia đôi từ lâu: Israel thuộc miền Bắc; Giuđa thuộc miền Nam. Mỗi miền có vua riêng và họ thường xung đột với nhau, và với cả những nước lớn mạnh hơn. Isaia đã làm cố vấn cho ba vị vua liên tiếp của Giuđa là Giôtham, Akhát, và Khítkigia mà đôi khi họ cũng đón nhận một số góp ý của ông, tuy nhiên nhiều lúc họ cũng gạt bỏ ý kiến của ông để theo đuổi những đường lối ưu tiên của họ. Isaia biến mất khỏi hiện trường vào khoảng năm 710 BC.

Sách ngôn sứ Isaia nổi bật trong số các sách Cựu Ước vì chất lượng văn chương độc đáo của nó. Isaia là một thi sĩ, một họa sĩ đã dùng những hình ảnh cùng những biểu tượng sống động và mạnh mẽ, kết hợp với một kĩ thuật miêu tả tài tình để truyền tải sứ điệp của ông. Ông có tài giảng những sứ điệp gây khó chịu nhất bằng một văn phong thoải mái khiến người ta sẵn sàng đón nhận.

Sách Isaia được đọc nhiều trong phụng vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh vì một số lí do sau đây:

  1. Ông là một ngôn sứ của niềm hi vọng cũng như của những khởi đầu mới. Đặc biệt ông nói về cuộc hạ sinh của một vị vua mới (tân vương), được gọi bằng những cái tên kì lạ: “Cố Vấn Kì Diệu”, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, và “Hoàng Tử Hòa Bình” (Is 9,5). Cái nhìn tiên tri của Isaia có lẽ không vượt xa hơn biến cố con vua Akhát là Khítkigia ra đời, và vị hoàng tử này sau đó trở thành một trong những người được kể là minh quân của Giuđa (dẫu không phải là hoàn hảo). Tuy nhiên, các Kitô hữu sau này nhận thấy những lời của Isaia chính là nói về cuộc hạ sinh Chúa Giêsu.
  2. Isaia còn là ngôn sứ của lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa mà Isaia trình bày là Thiên Chúa của tình thương, của sự an ủi vỗ về, của sự quan tâm săn sóc, cũng giống hệt như người Cha mà Chúa Giêsu sau này nói tới.
  3. Isaia là người đầu tiên tuyên bố rằng Thiên Chúa của người Do Thái cũng là Thiên Chúa của mọi dân tộc. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong ranh giới Giêrusalem và Giuđa mà còn mở rộng đến mọi dân tộc trên mặt đất. Chúa Giêsu, Đấng đem Tin Mừng đến cho người Do Thái cũng như cho dân ngoại, đã thực thi sứ vụ của Người theo tinh thần của ngôn sứ Isaia.
  4. Isaia là vị ngôn sứ của hòa bình và công lí. Sự hòa hợp giữa các dân tộc và lòng trắc ẩn dành cho những người nghèo khổ là dấu chứng nổi bật của thời thiên sai, của sự hiện diện của Chúa giữa loài người. Chúa Giêsu đã thực hiện những dấu chỉ này nơi Người, và hoàn tất một truyền thống suy tư bắt đầu từ Isaia.

II

Sứ điệp Mùa Vọng của ngôn sứ Isaia

Isaia là vị ngôn sứ hướng dẫn hành trình Mùa Vọng của chúng ta khi mỗi người chuẩn bị tâm hồn cử hành lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng là mùa của những chờ đợi vui mừng, của những khám phá thiêng liêng bất ngờ. Và Isaia mời gọi chúng ta hướng lòng về Đấng Thiên Sai đang đến, để chuẩn bị con đường cho Đức Chúa. Mùa Vọng là một mùa phụng vụ mang màu sắc sám hối đậm đặc trong năm phụng vụ. Isaia thúc giục chúng ta uốn thẳng những ngóc ngách tâm hồn quanh co, bạt phẳng những ngọn núi của những hành vi sai trái và lấp đầy những thung lũng của những thói quen xấu, vốn đã cố hữu bao năm tháng trong con người chúng ta. Đó là thời gian cần phải quay lưng lại với tội lỗi để đón nhận ơn hoán cải và tha thứ. Mùa Vọng cũng nói về sự xuất hiện triều đại của Thiên Chúa, vương quốc của công lý và hòa bình. Và Isaia mời gọi chúng ta tuân phục giáo huấn (Lề luật, Torah) trong vương quốc ấy, bước đi trên con đường của hòa giải, tuân theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để sống ngay chính trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động. Mùa Vọng là thời gian tràn đầy hy vọng, niềm vui, sự bình an trong bầu khí hân hoan của Giáo hội chào đón Đấng Thiên Sai.

Niềm hi vọng thiên sai. Isaia háo hức chờ mong ngày Đấng Messia ngự đến. Ông cũng như toàn thể dân Israel nhận thức sâu sắc về lời hứa mà Thiên Chúa đã ban cho Môsê: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng Tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18) Lời hứa này cũng được ngỏ với Đavít: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi – một người do chính người sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được bền vững”, “Đối với nó, Ta sẽ là cha; đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm l 7: 12b, 14).

Những lời tiên báo về Đấng Emmanuel. Ba lời tiên báo về Đấng Emmanuel là duy nhất của Isaia và được tìm thấy trong phần “Sách Đức Emmanuel”, từ chương 6 đến 12. Những văn bản quý giá này hiện ra với chúng ta ngay đầu Mùa Vọng vì nó hướng về sự xuất hiện của Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở với chúng ta. Và nó cũng báo trước sự xuất hiện của vị vua lý tưởng, là người sẽ dứt khoát biến đổi tiến trình lịch sử của nhân loại, bằng việc cai trị theo công lý và mang lại hòa bình thinh vượng. Lời tiên tri đầu tiên mô tả sự ra đời của Đấng Emmanuel: “Này đây, một thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Lời tiên báo thứ hai nói về vương quyền của Đấng đến ở cùng chúng ta: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kì diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình” (Is 9,5-6a). Lời tiên báo thứ ba đề cập đến đường lối cai quản của vua: “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này. Người sẽ xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành” (Is 11,1,2a,4a,5a).

Vị ngôn sứ của Mùa. Isaia là vị ngôn sứ của Mùa Vọng vì các bài trích đọc trong sách của ông được sử dụng nhiều nhất trong các Thánh Lễ dẫn vào Mùa Giáng Sinh.

Các Chúa Nhật Mùa Vọng. Chu kì ba năm của Sách Các Bài Đọc về Mùa Vọng gồm 12 Chúa Nhật thì những bài đọc của Isaia nhiều nhất, chiếm tất cả bảy lần: bốn cho các Chúa Nhật năm A, và ba cho các Chúa Nhật năm B. Trong năm C, các bài đọc được trích từ các ngôn sứ Cựu Ước: Giêrêmia, Barúc, Sôphônia và Mikha. Như vậy, lời của Isaia vượt qua các vị khác, bao trùm Mùa Vọng, do đó ông được gọi là vị ngôn sứ của Mùa Vọng.

Những ngày trong tuần Mùa Vọng. Sách Isaia cũng được trích đọc nhiều nhất trong những ngày thường của Mùa Vọng. Trong số 17 ngày lễ của ba tuần đầu, những bài đọc của Isaia được công bố 14 lần, gồm 6 lần của tuần đầu, 5 lần của tuần hai, và 3 lần của tuần ba. Trong tuần bát nhật trước Giáng Sinh, từ 17-24 tháng Mười Hai, Isaia chỉ được trích đọc một lần vào ngày 20. Còn những ngày khác thì được lấy từ nhiều nguồn khác nhau.

Các giờ kinh Phụng vụ. Việc chọn và sắp xếp các bài đọc trong sách Giờ Kinh Phụng Vụ Mùa Vọng làm nổi bật tầm quan trọng của Isaia. Mỗi bài đọc trong giờ Kinh Sách hằng ngày được lấy từ Isaia. Hơn thế nữa, nhiều Bài đọc của giờ Kinh Sáng và các giờ Kinh Trưa, và một số Xướng-Đáp cũng được trích từ Isaia.

Hang đá, máng có. Hình ảnh những con bò, lừa được trang trí trong hang đá Giáng Sinh cũng bắt nguồn từ một câu trong sách Isaia: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó” (Is 1,3).

 

gplongxuyen.org  -  Lm. Giuse Ngô Quang Trung

 

You are here: Trang chủ >> Sống đức tin >> Sống đạo