Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Người Thiện Tâm
Ngày đăng: 22/12/2018

Người Thiện Tâm 

 

Thánh Phaolô đã xác quyết: “Tôi biết tôi tin vào ai”. Niềm tin đó dựa trên nền tảng căn bản là “Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi ban Con Một của mình, để ai tin vào Ngài sẽ được cứu độ”. Tình yêu đó được biểu lộ ra bên ngoài chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được thể hiện bằng hành động cụ thể, đúng đắn thì không phải là tình yêu đích thực. Tương tự như lời của thánh Giacôbê: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Chỉ còn hơn một ngày nữa chúng ta sẽ mừng mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm giáng thế. Phụng vụ lời Chúa ngày giới thiệu cho chúng ta về nhân vật chính của mầu nhiệm này là Đức Giêsu Kitô. Tình yêu của Ngài được thể hiện cụ thể ngay khi nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria.

 

I/ PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

1/ Bài Đọc I: Mk 5, 1-4a

Tiên tri Mikha cho chúng ta biết một số nét về Đấng cứu thế. Ngài không xuất hiện ở Giêrusalem hay một thành phố lớn, mà ở một thị trấn nhỏ bé, khiêm nhường là Bêlem. Mặc dù một nơi quê mùa như vậy nhưng Đấng Cứu Thế lại có sứ mạng thống lãnh Israel. Chính Ngài sẽ đem đến hòa bình cho muôn dân. Nhờ sự xuất hiện của Ngài mà người ta được “vinh dự lây”, “vinh dự ké”, chứ không còn mặc cảm vì xứ sở quê mùa của mình nữa.

2/ Bài Đọc II: Dt 10, 5-10

Tác giả thư Do Thái thì hình dung Đấng cứu thế đó là một vị Thượng Tế, và chức Thượng Tế của Ngài trổi vượt hơn chức Thượng Tế trong cựu ước nhờ những việc sau đây: Lễ tế Ngài dâng không phải là chiên, bò để xá tội như trong cựu ước, mà là chính thân thể Ngài và việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Lễ tế ấy không cần dâng lên nhiều lần, mà chỉ dâng một lần là đủ.

3/ Tin Mừng: Lc 1, 39-45

Thánh Luca cố ý viết câu chuyện Đức Maria đi viếng bà Isave giống với câu chuyện Đavit mang Hòm Bia về Giêrusalem trong cựu ước, để muốn nói lên rằng Đức Maria là Hòm Bia của Tân ước. Trong cựu ước, Hòm Bia trên đường tiến về Giêrusalem đã ghé ngang nhà ông Ôbed 3 tháng. Còn hôm nay, Đức Maria cũng từ Nagiaret theo hướng Giêrusalem, ghé ngang nhà bà Isave 3 tháng. Đavit đã kêu lên rằng: “Làm sao Hòm Bia của Chúa ghé nhà tôi được?”. Isave cũng kêu lên rằng:“Làm sao mà Mẹ Chúa lại đến thăm tôi?”. Nhờ Hòm Bia ghé thăm mà ông Ôbed mà cả nhà của ông được Thiên Chúa chúc phúc. Đức Maria ghé thăm bà Isave làm cho bà và cả gia đình bà (kể cả hài nhi trong bụng) cũng được chúc phúc. Qua đó chúng ta thấy “Đức Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người”. Thiên Chúa đã hành động một cách cụ thể qua Đức Maria để đem đến tình thương cho nhân loại. Vì vậy chúng ta hãy hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.

Phúc lành của Thiên chúa làm cho Đức Trinh Nữ Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Phúc lành đó làm cho bà Isave hân hoan vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Phúc lành đó lan tỏa cả đến hài nhi trong bụng bà Isave cũng phải nhảy mừng. Nguồn gốc của những niềm vui ấy chính là sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.

 

II/ DẤU HIỆU TÂM HỒN THIỆN TÂM

Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ đến với những ai có “tâm hồn thiện tâm”, những ai đã tích cực dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

    1/ Tâm hồn khiêm nhường:

Thiện tâm trước hết ở sự khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận của mình hèn yếu, nhỏ bé, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tự sức mình không thể làm gì được, mà tất cả những gì mình có đều do lòng thương xót của Chúa. Vì thế khi nhận được tin làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã nhìn nhận mình chỉ là nữ tì của Chúa. Bà Isave mặc dù vai vế lớn hơn Đức Maria nhưng đã tự hỏi: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi thế này?”. Và Đức Maria cũng đáp lại bằng một bài ca khiêm nhường, Magnificat.

Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã từng nhắc nhở các Kitô hữu : “trở lại lịch sử đức tin của chúng ta được đánh dấu bằng mầu nhiệm đan xen giữa sự thánh thiện và tội lỗi”. Nghĩa là nhìn nhận một thực tại nơi bản thân con người là điệp khúc thánh thiện và tội lỗi đan xen với nhau và cột trụ của thực tại đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó con người không kiêu ngạo khi thánh thiện và không chán nản khi tội lỗi vì có Chúa sẽ phán xét và thương xót họ. Thái độ khiêm nhường đó dẫn chúng ta đến việc hoán cải mỗi ngày để trở nên tốt đẹp hơn. Kết quả bên ngoài là việc chúng ta thường xuyên đến với tòa giải tội, còn kết quả bên trong là chúng ta được đổi mới.

    2/ Tâm hồn Bác ái

Dấu chỉ thứ hai là việc bác ái. Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có Thiên Chúa thì lửa yêu mến của Ngài khơi dậy nơi đó. Khi Thánh Thần rợp bóng trên Đức Maria, đồng thời với việc mang thai Đấng Cứu Thế, Mẹ cũng được đầy tràn lòng bác ái, đã nghĩ ngay đến bà chị họ của mình. Mẹ đã đi thăm bà chị họ để chia sẻ hai điều. Thứ nhất là giúp đỡ bà chị của mình mang thai trong lúc tuổi già ; nhưng quan trọng nhất là đến để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ mà chỉ hai người đàn bà này hiểu nhau mà thôi. Chắc chắn không thể có người thứ ba hiểu được niềm vui của họ.

Một trong những việc làm trong Năm Gia Đình 2019, “đồng hành cùng những gia đình gặp khó khăn” là một tấm lòng bác ái bằng nhiều hình thức khác nhau dành cho những gia đình đó. Tất cả những điều đó là sự thúc bách của niềm vui ơn cứu độ, muốn san sẻ mọi thứ với mọi người bằng mọi hình thức.

    3/ Phục vụ

Lòng bác ái, sự khiêm nhường được kết tinh ở cao điểm là việc phục vụ. Đức Maria không nghĩ đến việc mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, mà đã lặn lội đường xá xa xôi cách trở để viếng thăm và giúp đỡ bà chị họ của mình. Việc phục vụ chỉ có kết quả khi người ta biết khiêm nhường và có một lòng bác ái thực sự. Cha mẹ đã quên mình và vì yêu thương nên đã làm mọi cách để lo lắng cho con cái. Mọi thành phần trong Giáo xứ đã quên mình và vì yêu mến Giáo hội nên đã cộng tác với nhau để dọn lễ Giáng Sinh… và sẽ còn những việc phục vụ khác khi người ta biết yêu thương và quên mình thực sự.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật cuối cùng trong Mùa Vọng giới thiệu cho chúng ta rõ hơn về Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế đó xuất hiện sẽ đem đến niềm vui và hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên Đấng Cứu Thế đó chỉ ở nơi những tâm hồn thiện tâm, tức là những người khiêm nhường, bác ái và phục vụ theo gương của Đức Trinh Nữ Maria. Xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ cho chúng ta học được guơng khiêm nhường, bác ái và phục vụ như Mẹ, để chúng ta cũng được niềm vui ơn cứu độ trong ngày Chúa Giáng Sinh sắp tới và trong suốt cuộc đời chúng ta.  

 

* gpcantho.com  -  Lm. Giuse Nguyễn

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật