Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Lên Núi Gặp Chúa Để Loan Báo Tin Mừng
Ngày đăng: 24/05/2020

Lên Núi Gặp Chúa Để Loan Báo Tin Mừng 

 

Thánh kinh tường thuật trong biến cố Thăng Thiên, Đức Giêsu đến “ngọn núi”, Ngài “lại gần” các môn đệ, sai các ông “hãy đi”… (x. Mt 28, 16-20). Sau đó “Người được cất lên ngay trước mắt các ông” (Cv 1, 9).

Theo điển ngữ thần học thánh kinh, núi là nơi để Thiên Chúa mặc khải, để “nói với” con người. Núi là nơi để Thiên Chúa gặp gỡ con người, thể hiện một nền phụng tự vượt lên trên những nghi lễ của loài người.

Ngọn núi mà Đức Giêsu truyền cho các môn đệ đến trong biến cố Thăng Thiên được Thánh Kinh tường thuật không có tên rõ ràng, để tránh tình trạng con người thần thánh hóa bằng một ngọn núi cụ thể; mà họ phải hiểu núi là một tình trạng để ở đó Thiên Chúa gặp gỡ con người, và qua đó con người thờ phượng Thiên Chúa bằng tất cả những gì là của riêng mình.

Với khả năng của con người, các môn đệ khó lòng mà đón nhận mầu nhiệm Phục sinh. Vì vậy khi được Đức Giêsu hẹn đến ngọn núi, đã gặp được Ngài, “nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28, 17). Hành động “lại gần” của Đức Giêsu để củng cố thêm niềm tin cho các ông, để các ông biết rằng Đức Giêsu đã thực sự sống lại.

Đỉnh điểm của biến cố Thăng Thiên là lệnh truyền: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 2, 19). Sứ mạng của Đức Giêsu là đến thế gian để loan báo Tin mừng. Tin mừng vĩ  đại nhất là được biết Thiên Chúa, Đấng yêu thương muốn cứu chuộc nhân loại. Sứ mạng của Đức Giêsu đã hoàn tất và Ngài trao sứ mạng đó lại cho các môn đệ. Sự hoàn tất của Ngài không phải ngưng nghỉ, nhưng là hoàn tất một chương trình, một sứ mạng. Ngài vẫn ở cùng các môn đệ cho đến ngày tận thế.

Hôm nay mừng lễ Thăng Thiên không phải để chúng ta ngất ngây với cảnh huyền thoại, tưởng tượng Đức Giêsu bay lên trời với trang phục trắng tinh, với tiếng sấm rền vang, với những lời ca tụng của các thiên thần… mà để được Lời Chúa soi dẫn đến “ngọn núi”, để “lại gần” Đức Giêsu và thực hiện mệnh lệnh “hãy đi” của Ngài.

“Ngọn núi” mà Đức Giêsu muốn chúng ta đến là chính hoàn cảnh, môi trường chúng ta đang sống, trong gia đình, trong địa phương, nơi họ đạo này, ở học đường, công ty, văn phòng, xí nghiệp, nơi làm việc này… Với ơn gọi là Linh mục, tu sĩ, độc thân, gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, thiếu nhi… Với điều kiện Chúa ban riêng cho mỗi người: có khi đủ, khi thiếu, khi thừa… nhưng tất cả là Chúa muốn chúng ta đến “ngọn núi” đó.

Tâm thế của chúng ta khi đến “ngọn núi” mà Chúa muốn là để gặp gỡ, để thờ phượng Thiên Chúa. Vì thế trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường chúng ta phải nhớ “Chúa hẹn gặp con, Chúa chờ đợi con, qua bao biến cố buồn vui, qua những lo toan đời thường, qua ngàn sầu thương vấn vương.” Có những người bận rộn, lo toan với công việc đời thường mà bỏ bê việc thờ phượng Chúa. Bỗng một ngày nào đó họ ngồi nhớ lại khung trời tuổi trẻ, khi phải vượt hàng chục cây số bằng những chuyến đò, chuyến xe lôi, thậm chí là đi bộ cả buổi trời để được đến nhà thờ; mỗi buổi chiều tranh thủ ăn cơm cho nhanh để được đi tập hát, để sinh hoạt trong các hội đoàn… Cám ơn Chúa đã cho khung trời thánh thiêng đó hiện về để lôi kéo ta khỏi những bận rộn lo toan đời thường, để ta nhớ rằng “Chúa chờ đợi con”.

Sự chờ đợi của Thiên Chúa không phải ở thế thụ động, nhưng Ngài “lại gần” để trong mọi lúc mọi nơi khi nào ta chịu “nhìn” thì sẽ “thấy” Thiên Chúa. Chúa chờ đợi ta nơi Thánh lễ và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội. Qua các việc đạo đức như đọc kinh, cầu nguyện, lần chuỗi Mân côi ta sẽ được gặp Chúa. Chúa lại gần ta qua những người nghèo, người bệnh, những người bị bỏ rơi, loại trừ… Khi gặp gỡ Chúa qua những việc, những người đó, đức tin của ta sẽ được thêm nâng đỡ.

Người Công giáo trong cơn đại dịch Covid-19 cảm nhận rõ ràng hơn việc Thiên Chúa lại gần con người qua nổ lực của Giáo hội bằng những Thánh lễ trực tuyến, sự đồng hành, hiện diện một cách thiêng liêng nào đó. Ngược lại con người cũng hơn bao giờ hết cần đến nhu cầu thiêng liêng, cần đến Thiên Chúa. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác để thực sự cảm nghiệm việc Thiên Chúa “đến gần” chúng ta, kẻo chúng ta chỉ cần và muốn Thiên Chúa “đến gần” những lúc gặp hiểm nguy, còn những lúc khác thì quên hoặc thậm chí là muốn xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời để dễ dàng làm những chuyện sai trái.

Lên núi, lại gần Thiên Chúa để sẵn sàng đón nhận sứ mạng Ngài trao: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Sứ mạng Loan Báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội. Kitô hữu cần phải ý thức bổn phận Loan Báo Tin Mừng để có thể làm cho “muôn dân trở thành môn đệ”. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh đều có cách thức khác nhau để Loan Báo Tin Mừng, điều quan trọng là phải luôn luôn thao thức sống làm sao cho người khác được biết Chúa.

Lễ Thăng Thiên cũng là ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội được lấy ý tưởng từ việc Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ thông truyền tin vui cho thế giới. Trong Sứ điệp Ngày Thế Giới truyền thông xã hội, được công bố hôm 24-01-2020, lễ kính thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng giới ký giả, Đức Thánh Cha mời gọi phải chấm dứt các bài tường thuật giả dối và phá hoại; hãy thuật lại những điều tốt đẹp nhất. Vì thế Kitô hữu nhất là các bạn trẻ trong xã hội hôm nay phải biết sử dụng phương tiện truyền thông để nói những điều tốt đẹp nhất. Điều tốt đẹp nhất mà Đức Thánh Cha gợi lên chính là Tin Mừng của Đức Giêsu.

Sứ điệp của lời Chúa lễ Thăng Thiên năm nay mời gọi chúng ta hãy lên núi gặp gỡ Thiên Chúa để loan báo Tin Mừng. Ngọn núi là chính hoàn cảnh sống của ta, gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống đức tin vững mạnh để từ đó thôi thúc ta loan báo những giá trị tốt đẹp cho thế giới hôm nay.

Xin Mẹ Maria chuyển cầu cùng Chúa để chúng con biết hái những bông hoa tốt đẹp chính là Tin Mừng mà chúng con nổ lực để loan báo bằng đời sống chứng tá của chúng con.

 

gpcantho.com  -  Lm. Giuse Nguyễn

You are here: Trang chủ >> Lời Chúa >> Suy Niệm Chúa Nhật