Cảm ơn bạn đã ghé thăm trang web của Giáo Xứ Hải Sơn. Xin Chúa chúc lành cho bạn!
Thứ năm, ngày 25.05.2023 sau Chúa Nhật thứ VII Phục sinh - Năm A: : Thánh BÊ-ĐA Đáng Kính Linh mục, Tiến Sĩ Hội Thánh; Thánh GRÊGORIÔ VII Giáo Hoàng (1028-1085); Thánh Mađalêna Sôphi Barat (1779-1865).
Ngày đăng: 25/05/2023

Ngày 25-05 Thánh BÊ-ĐA Đáng Kính

Linh mục, Tiến Sĩ Hội Thánh (673 – 735)

 

Chính thánh Beđa kể cho chúng ta biết mọi điều về cuộc đời thơ ấu của Ngài. Trong vài câu thêm vào cuốn lịch sử Giáo hội, thánh nhân sinh năm 673 hay là 674. Tên Bêđa theo từ ngữ Saxon có nghĩa là cầu nguyện. Cuộc sống của Ngài rất gương mẫu nên người ta thêm cho Ngài biệt danh Vênêrabilê có nghĩa là khả kính. Lên bảy tuổi Ngài bị mồ côi cha mẹ và được giao phó cho tu viện trưởng Bênêdictô Biscop săn sóc giáo dục. Lúc 18 tuổi Ngài được thụ phong chức phó tế và năm 702 hay 703 tức là lúc 29 tuổi Ngài được thụ phong linh mục.

Cuộc sống của Ngài trong tu viện rất cực nhọc. Chúng ta có thể tóm lược cuộc sống ấy bằng chính lời Ngài: – “Tôi đã sống trọn đời nỗ lực học hỏi kinh thánh và trong khi tuân thủ luật dòng cũng như bổn phận hàng ngày và hát thánh ca tại nhà thờ, tôi sung sứơng được học hành, dạy dỗ và viết lách”.

Đây quả là tổng hợp chính xác trọn cuộc sống của thánh Bêđa, Ngài rất ít rời bỏ nhà dòng. Chúng ta chỉ nghe biết có hai chuyện du hành của Ngài. Một lần Ngài đi thu tập tài liệu về đời thánh Cuthbert, Ngài ở lại Lindisfanne và từ đó đến viếng Farne Islanol để khảo sát những di tích trong căn phòng của vị thánh. Một lần khác, Ngài đến York để thăm Đức tổng giám mục Egbert, và để quan sát các trường học nổi tiếng ở đó.

Dạy học, thánh Bêna tỏ ra là một bậc thầy lỗi lac. Ngài không quan tâm suy tư và ao ước được nổi bật. Tài năng của Ngài là cố gắng không cùng để tự đào luyện mình rồi truyền thông không phải chỉ có những gì mình đã học mà còn cả cảm thức về giá trị của điều đã được hiểu biết, đặt tầm quan trọng của việc giảng dạy. Tuy nhiên chúng ta không thể nói nhiều về điểm này. Nhưng các sách đủ loại Ngài viết đều là kiểu mẫu trong việc trưng dẫn các tài liệu. Chính cách trình bày cẩn thận và điều độ và gắng để được chính xác và đúng đắn làm cho các sách ấy có thế giá. Các tác phẩm của thánh Bêda có thể xếp thành ba loại. Các bút tích về thần học của Ngài chính yếu gồm những phần dẫn giải thánh kinh của một thầy dạy phần lớn dựa trên các sách giáo phụ Tây phương. Dầu thiếu sự độc sáng trong cách trình bày, nhưng những dẫn giải của thánh Bêda ngày nay còn là phương tiện tốt đẹp nhất để hiểu về các giáo phụ.

Các tác phẩm về khoa học của Ngài một phần là những giải thích cổ truyền về các hiện tượng tự nhiên, một phần bàn về niên lịch và cách tính của Đông phương. Cách tính niên lịch của Ngài kể từ thời Chúa Giêsu Giáng sinh đã được Kitô giáo Tây phương chấp nhận rộng rãi hơn cả.

Các tác phẩm về lịch sử của thánh nhân có lẽ ngày nay được nhớ tới nhiều hơn hết. Cuốn “Lịch sử Giáo hội của dân Anh” là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về lịch sử về thời đầu Trung cổ. Ngài đã viết cách khách quan và phê phán cách quân bình, dựa trên những tài liệu và nhân chứng đáng tin cậy, Ngài cũng viết một tiểu sữ về các tu viện ở Wearmonth và thơ văn về cuộc đời thánh Cuthbert.

Kể từ năm 679, Ngài ở hai tu viện Wearmonth và Jarrow, chăm chú thi hành bổn phận thuộc đời sống tu trì và vẫn không ngừng viết lách và dạy học. Lời kinh ở cuối cuốn “Lịch sử Giáo hội” trình bày lý tưởng của Ngài: – “Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con khẩn cầu Chúa, khi đã cho con được vui hưởng những lời khôn ngoan của Chúa thì xin Chúa cho con một ngày kia được đến gần bên thánh nhan Chúa”.

Đương thời, không ai nghi ngờ sự thánh thiện của thánh nhân, nhưng Ngài đã không làm một phép lạ, không được một thị kiến và không mở ra một đường lối tu đức mới mẻ nào. Mùa hè năm 735 vào tuổi 63, sức khỏe suy giảm, Ngài còn bị đau khổ bị bệnh suyễn. Dầu vậy, Ngài vẫn làm việc đến giây phút cuối cùng, đọc cho thầy thơ ký hoàn tất cuốn sách Chú giải Phúc âm thánh Gioan và 48 giờ cuối cùng trên giường bệnh. Đúng ngày lễ Thăng thiên 27 tháng 5 năm 735, thánh Beda từ trần.

Nguồn: giaophanbaria.org

 

 

Thánh GRÊGORIÔ VII Giáo Hoàng (1028-1085)

 

Thánh Gregoriô hay là Hildebrand theo tên rửa tội, sinh khoảng năm 1028. Gia đình Ngài không thuộc dòng tộc quí phái và có thuộc gốc Do thái. Thấy con mình thông minh lại hiếu học, thân phụ thánh nhân gởi Ngài tới thụ huấn với người chú là Tu viện trưởng Đức Bà Maria ở Aventin, Hildebrand đã trở thành một tu sĩ dòng Bênêdictô.

Tuy nhiên khả năng đặc biệt của Ngài đã sớm kéo Ngài ra khỏi hàng rào tu viện để phục vụ tại giáo triều. Khi đắc cử giáo hoàng, trên đường về nhận chức, Đức Leo IX ghé qua Cluny và dẫn theo thầy dòng trẻ tuổi Hildebrand để làm cố vấn cho mình. Đức giáo hoàng đã trao cho Ngài điều khiển tu viện thánh Phaolô và đặt làm hồng y. Đức giáo hoàng Leo IX là vị tiên khởi trong cuộc cải cách Grêgoriô, danh hiệu dựa vào khuôn mặt sáng giá nhất cuộc cải cách này, nhưng chính đức Leo là người khởi xướng.

Kể từ việc đề cử của Đức Leo IX Hildebrand đã có ảnh hưởng lớn lao trong nhiều triều đại liên tiếp. Khi được cử làm đặc sứ tại Pháp Đức Hồng y Hildebrand, đã chống lại nhiều tập tục xấu. Trong hội đồng họp ở Tour, Ngài đã buộc Berenger từ bỏ những lầm lạc của mình. Thế là chính Ngài đã giữ phần quyết định trong cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể giữa Lanfranc và Berenger. Ngài ủng hộ giáo thuyết về sự biến thể của Lanfranc nhưng cũng giảm bớt sức đối kháng để trình bày cách mầu nhiệm hơn.

Dưới ảnh hưởng của Đức hồng y Hildebrand, chức giáo hoàng ngày càng nghịch với hoàng đế hơn. Một liên minh hình thành với nhiều nhà cai trị ở miền nam nước Ý chống lại các Hoàng đế nhà Hohenstanen. Đức giáo hoàng nâng đỡ phong trào quần chúng chống lại hoàng đế ở Milanô nhưng tâm điểm đường lối chính trị của tòa thánh được diễn tả trong việc chọn lựa Đức Giáo hoàng, dành riêng cho hồng y đoàn. Nói cách khác, ảnh hưởng của hoàng để bị rút lại, nếu không nói là bị hủy bỏ. Năm 1073 dưới ảnh hưởng đã trở nên lớn mạnh, Đức Hồng y Hildebrand đắc cử giáo hoàng với hiệu Gregoriô VII.

Tình hình Giáo hội lúc này thật đáng buồn với nhiều thảm trạng đang diễn ra. Đích thân giáo hoàng thấy rõ những điều đó, sống khắc khổ như một thầy dòng, Ngài đã sáng ngời như mặt trời chiếu dãi vào ngôi nhà Giáo hội. Đầy uy quyền trong lời nói và việc làm, Ngài đã nỗ lực tái lập kỷ lục truyền bá đức tin, diệt trừ các lỗi lầm. Nhất là Ngài được chống lại hoàng đế Henri IV nước Đức. Ông hoàng này ham mê khoái lạc và tham lam, đã dám bán quyền giám mục và các chức vụ trong Giáo hội cho những người bất xứng.

Năm 1075, Đức Gregoriô VII đã tuyên bố phạt mọi người ở bất cứ địa vị nào dám dùng tiền để mua bán chức thánh. Với tình phụ tử, Ngài cảnh cáo hoàng đế Henri IV và các lạm quyền của ông. Tức giận ông bắt cóc Đức Giáo hoàng đang khi Ngài làm lễ và giam ngục. Nhưng rồi dưới áp lực của dân Roma, ông phải thả Ngài ra. Đức giáo hoàng đã tha thứ cho ông. Tuy nhiên nhà vua vẫn ngoan cố. Năm 1076, ông triệu tập một số giám mục rồi đặt Gnibert de Ravenna làm giáo hoàng. Đức Gregoriô VII liền ra vạ tuyệt thông Henri IV. Hối hận và sợ các quan bất phục, Henri IV lo giữ ngôi bằng cách đến Canossa làm việc đền tội.

Ngày 28 tháng giêng năm 1077, Đức giáo hoàng giải vạ cho ông.

Một thời gian sau Henri IV lại trở mặt, ông cầm quân sang Roma để bắt Đức Giáo hoàng. Nhưng Đức Gregoriô đã kịp thời rút lui về Sôlerna và qua đời tại đây năm 1085. Trước khi qua đời Ngài đã nói: - Ta yêu mến điều công chính và chê ghét sự gian tà nên mới phải chết ở chốn lưu đày này.

Người ta đã nói tới cuộc cải cách thời Gregoriô. Phải nhận định rằng ý tưởng của Ngài rất cao thượng, Ngài quan niệm hàng giáo sĩ được đặt ra ngoài mọi người khác bởi phép truyền chức thánh làm thành một cộng đoàn siêu nhiên ấn định bởi quyền ban bí tích và được cai quản bởi đấng kế vị thánh Phêrô. Họ phải sống xứng đáng với phận vụ thiêng liêng, Ngài nhiệt hành ủng hộ luật độc thân của giáo sĩ và chống lại mọi thứ buôn thần bán thánh.

Ngài cũng nỗ lực diệt trừ mọi can thiệp vào việc chọn giám mục, nhất là sự can thiệp của hoàng đế. Dầu không thành công trong việc này, nhưng chắc chắn đã làm thay đổi thái độ của mọi người đối với Giáo hội.

Sau khi đã từ trần, lý tưởng canh tân Giáo hội của Ngài mới rõ rệt hơn, sắc bén hơn và tiến gần tới hiện thực hơn.

 

Thánh Mađalêna Sôphi Barat (1779-1865)

 

 

Sinh ở Burgundy, nước Pháp, trong một gia đình trồng nho, Thánh Mađalêna được sự hướng dẫn chu đáo và rất kỷ luật của người anh ruột, tên Louis, sau này là linh mục. Trong thời kỳ Cách Mạng, anh Louis bị cầm tù và sau đó cùng với cô em gái trốn lên Balê, là nơi thánh nữ được học hỏi về tôn giáo.

 

Mađalêna ao ước phục vụ Thiên Chúa qua tính cách của một trợ sĩ dòng Camêlô. Nhưng đó không phải là ý Chúa. Một nhóm linh mục người Pháp thuộc tu hội Thánh Tâm muốn thành lập một tu hội nữ để giáo dục các cô gái, và Cha Varin, người trưởng nhóm nghe biết về Mađalêna, do đó vào năm 1800, cha đã chấp nhận Mađalêna cùng với ba người khác như các nữ tu và giao cho họ công việc thiết lập một tu hội giáo dục. Nhà trường đầu tiên của Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu được thành lập ở Amiens năm 1801.

 

Sau một năm hoạt động, Mađalêna được chọn làm bề trên dù lúc ấy mới 23 tuổi – trẻ hơn các nữ tu khác, và sơ đã điều hành tu hội trong vòng 63 năm kế tiếp.

 

Tu hội phát triển trên toàn nước Pháp, hấp thu các nữ tu thuộc tu hội Thăm Viếng ở Grenoble (trong số đó có Chân Phước Philippine Duchesne, là người đưa tu hội sang Hoa Kỳ năm 1818), và Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được Ðức Giáo Hoàng Lêô XII chính thức công nhận vào năm 1826.

 

Năm 1830 đệ tử viện của Tu Hội ở Poitiers bị lực lượng cách mạng đóng cửa, và Sơ Mađalêna đã thành lập một đệ tử viện khác ở Tân Tây Lan.

 

Cho đến khi ngài từ trần, ngày 21 tháng Năm 1865 ở Balê, tu hội đã thành lập được 105 trường trong 12 quốc gia.

 

Ngài được phong thánh năm 1925.

 

Lời Trích

 

Thánh Mađalêna Barat thường nói với các nữ tu trong tu hội, “Sự cần cù làm việc, là kẻ thù của linh hồn bất toàn, đem lại kết quả dồi dào cho những ai yêu mến Thiên Chúa”.

 

conggiao.info 

You are here: Trang chủ >> Phụng vụ >> Hạnh các Thánh